Nghi lễ cưới: Tìm hiểu về lễ hợp cẩn và lễ lại mặt

Ngày nay, chúng ta đã bỏ bớt một số nghi lễ cưới hỏi vì tính chất rườm rà và không cần thiết của nó, song vẫn không thể không kể đến những nghi thức cố hữu mà cô dâu chú rể cần thực hiện. Hợp cẩn và lại mặt là một trong hai nghi thức đó, thế nhưng không phải ai cũng biết tường tận hai nghi lễ này sẽ diễn ra như thế nào. Một vài chia sẻ sau của P.wedding sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những nghi thức khởi thủy của hai nghi lễ này:

1. Lễ hợp cẩn

Có thể hiểu nôm na là lễ “cùng uống rượu”. Cô dâu và chú rể, sau khi ra mắt bố mẹ chồng, sẽ được rước vào phòng. Theo tục cũ, ông cụ cầm đầu đoàn nhà trai sang rước dâu sẽ trải chiếu cho cô dâu chú rể (kiêng kỵ chiều trải lệch). Sau đó cụ rót hai chén rượu mời cô dâu chú rể rồi ra ngoài khép cửa buồng lại. Cô dâu chú rể sẽ ăn bữa cơm đầu tiên với nhau.

Nhiều gia đình phong kiến thời xưa, phỏng theo tục lệ của Trung Quốc, đêm tân hôn cho lót giấy bản, gọi là giấy thám trinh, để xem cô dâu còn trinh hay không. Nếu không, trong lễ lại mặt, gia đình nhà trai sẽ gửi cho gia đình nhà gái một cái thủ lợn bị cắt tai, ngầm ý rằng sẽ trả lại cô dâu vì cô dâu đã mất trinh. Đây cũng chính là lý do mà thời phong kiến xưa, ông bà ta rất coi trọng trinh tiết. Đó không chỉ thể hiện đức hạnh của người con gái mà còn là thể diện của gia đình, dòng họ nhà gái nên chữ trinh rất được coi trọng và giữ gìn.

Ngày nay, lễ hợp cẩn đã được cách tân, cô dâu chú rể cùng rót rượu và uống cùng nhau ngay tại tiệc cưới, trước sự chứng kiến của hai bên họ hàng. Điều này cũng có ý nghĩa riêng của nó: có thể nó ngầm đem đến thông điệp là mong muốn họ hàng hai bên chứng giám cho sự đồng lòng của đôi vợ chồng mới cưới và chúc phúc cho cô dâu chú rể.

2. Lễ lại mặt

Sau lễ hợp cẩn, ngay sáng hôm sau, đôi vợ chồng trẻ sẽ chuẩn bị lễ vật để tạ gia tiên và đi chào hỏi họ hàng thân thích bên nhà gái. Lễ này gọi là lễ lại mặt. Lễ vật bắt buộc phải có là ba quả cau, ba lá trầu  và một nậm rượu. Ngoài ra,  tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà lễ lại mặt thường có thêm bánh mứt, hạt sen, xôi gấc… Sau đó nhà gái đem chia lễ vật cho những người trong họ. Khi trở về nhà mình, cô dâu có thể nói với bố mẹ về tính tình và cách đối xử của chồng ra sao cho bố mẹ mình biết. Trong ngày này, nhà gái cũng sẽ làm một mâm cơm thịnh soạn mời dâu rể cùng ăn.

Bây giờ thì lễ lại mặt thường không quá nghi thức và trang trọng như ngày xưa nữa. Chẳng hạn thời điểm làm lễ lại mặt có thể  là vài ngày sau khi cô dâu về nhà chồng, chứ  không nhất thiết là ngay sáng hôm sau. Lễ lại mặt cũng có thể được cắt bỏ, hoặc gọi với cái tên đơn giản hơn là lại mặt, đơn thuần là vợ chồng mới cưới về thăm nhà vợ và bày tỏ lòng biết ơn với bố mẹ cô gái.

Lễ lại mặt cũng tùy theo từng vùng miền mà sẽ có những quy định khác nhau về lễ vật, thời điểm làm lễ, các kiêng kỵ cần tránh… Dù sao thì lòng thành của đôi vợ chồng trẻ và sự hiếu thảo đối với bố mẹ hai bên vẫn là quan trọng nhất 🙂

Hi vọng các bạn thấy hữu ích với những thông tin này!

Chúc các bạn tổ chức đám cưới thành công!

P.wedding

Website: http://p-wedding.com/

Địa chỉ: 15/5 Hoàng Minh Giám, P.9, Q. PN, TP.HCM

Điện thoại: (84-8) 66 735 143

Hotline: 0908521232

E-mailinfo@p-wedding.com

Facebookhttp://www.facebook.com/PweddingWeddingPlanner